Bài Tập C - Phần III: Mảng và Xâu ký tự

Danh Sách Bài Tập C
/*** Các bài tập về mảng 1 chiều***/
Bài 1: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một dãy số nguyên: a1, a2, …, an. Sau đó thực hiện các yêu cầu sau:
a.      Tính tổng, trung bình cộng của tất cả các phần tử trong dãy.
b.      Đếm số phần tử chẵn trong dãy; in ra vị trí, giá trị của các phần tử đó; tính tổng và trung bình giá trị của chúng rồi thông báo kết quả ra màn hình.
c.      Đếm số phần tử lẻ trong dãy; in ra vị trí, giá trị của các phần tử đó; tính tổng và trung bình giá trị của chúng rồi thông báo kết quả ra màn hình.
d.      Tìm giá trị lớn nhất (max) của dãy và in ra vị trí của các phần tử có giá trị = max.
e.      Tìm giá trị min của dãy và in ra vị trí của các phần tử có giá trị = min.
f.       Đếm số phần tử âm, in ra vị trí và giá trị của chúng.
g.      Đếm số phần tử dương, in ra vị trí và giá trị của chúng.
h.      Tính tổng, trung bình và in ra giá trị của các phần tử nằm tại vị trí chẵn trong dãy.
i.        Tính tổng, trung bình và in ra giá trị của các phần tử nằm tại vị trí lẻ trong dã.
j.        Cho người dùng nhập 1 số x từ bàn phím, tìm và in ra vị trí của phần tử  trong dãy có giá trị bằng  x.
Bài 2: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một dãy số nguyên:
a.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy tăng hay không?
b.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy giảm hay không?
c.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy đan dấu hay không?
d.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy số dương hay không?
e.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy số âm hay không?
f.       Kiểm tra xem dãy có tạo thành cấp số cộng hay không?
g.      Kiểm tra xem dãy có tạo thành cấp số nhân hay không?
h.      Kiểm tra xem dãy có phải là dãy đối xứng hay không?
Bài 3: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một dãy các số thực, sau đó cho phép người dùng:
a.      Chèn thêm 1 giá trị x vào vị trí m trong dãy (x và m do người dùng nhập từ bàn phím).
b.      Sửa giá trị nằm tại vị trí k thành giá trị mới y (k và y do người dùng nhập từ bàn phím).
c.      Xóa phần tử nằm tại vị trí q trong dãy (q do người dùng nhập từ bàn phím).
Bài 4: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một dãy các số thực, sau đó cho phép người dùng:
a.      Loại bỏ các phần tử trùng nhau để nhận được một dãy mới mà mỗi giá trị chỉ xuất hiện một lần,
b.      Sắp xếp dãy mới nhận được ở câu a theo chiều tăng dần (hoặc giảm dần),
c.      Cho người dùng nhập vào từ bàn phím một giá trị x, hãy bổ sung x vào dãy nhận được từ ý b sao cho không làm ảnh hưởng đến tính tăng (hoặc giảm) của dãy.
Bài 5: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một dãy các số thực. Loại bỏ khỏi dãy các phần tử có giá trị bằng 0. Sau đó tách dãy nhận được thành 2 dãy con: 1 dãy gồm toàn các số âm, 1 dãy gồm toàn các số dương (làm tương tự với bài toán tách dãy thành hai dãy con: 1 dãy gồm toàn các số chẵn, 1 dãy gồm toàn các số lẻ).

 /***Các bài tập về mảng 2 chiều:***/
Bài 6: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một ma trận các số nguyên (Aij)m x n. Sau đó:
a.      Tính tổng, trung bình các phần tử của ma trận.
b.      Tìm max và in ra vị trí của các phần tử có giá trị = max.
c.      Tìm min và in ra vị trí của các phần tử có giá trị = min.
d.      Tìm xem hàng nào trong ma trận có tổng lớn nhất (hoặc nhỏ nhất).
e.      Tìm xem cột nào trong ma trận có tổng nhỏ nhất (hoặc lớn nhất).
f.       Tìm và in ra tất cả các điểm yên ngựa có trong ma trận A (một phần tử được gọi là điểm yên ngựa nếu nó vừa là min trên dòng chứa nó, vừa là max trên cột chứa nó).
g.      Sắp xếp lại ma trận sao cho trên mỗi dòng, các phần tử được xếp theo thứ tự tăng dần (hoặc giảm dần).
h.      Sắp xếp lại ma trận sao cho trên mỗi cột, các phần tử được xếp theo thứ tự tăng dần (hoặc giảm dần).
Bài 7: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím 1 ma trận vuông (aij)n x n, sau đó:
a.      Kiểm tra xem ma trận vừa nhập có phải là ma trận đơn vị không?
b.      Kiểm tra xem ma trận vừa nhập có phải là ma trận đối xứng hay không?
c.      Kiểm tra xem ma trận vừa nhập có phải là ma trận tam giác hay không?
d.      Kiểm tra xem trong ma trận vừa nhập có tồn tại hàng nào gồm toàn các phần tử chẵn (hoặc lẻ, hoặc dương, hoặc âm) hay không?
Bài 8: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím 2 ma trận vuông A, B cùng kích thước n x n. Hãy kiểm tra xem A = B hay không. Tính tổng, hiệu, tích của 2 ma trận này.
/*** Kiểu dữ liệu xâu ký tự***/
Bài 9: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một xâu ký tự s, sau đó:
a.      Liệt kê các ký tự xuất hiện trong xâu cùng với số lần xuất hiện của chúng.
b.      Kiểm tra xem xâu có phải là xâu đối xứng hay không, nếu xâu không đối xứng, hãy tìm xâu đảo của xâu s.
Bài 10: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một xâu s chỉ gồm các ký tự chữ, sau đó:
a.      Đếm xem trong xâu có bao nhiêu ký tự ‘a’ và ‘A’,
b.      Chuyển tất cả các ký tự trong xâu thành ký tự chữ in hoa,
c.      Chuyển tất cả các ký tự trong xâu thành ký tự chữ in thường,
d.      Thay thế các ký tự ‘a’ trong xâu thành ký tự ‘b’.
Bài 11: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím 2 xâu s1 và s2 có độ dài bằng nhau, sau đó tạo các xâu:
a.      Xâu s3 gồm các ký tự của xâu s1 xen kẽ với các ký tự của xâu s2 theo thứ tự 1 ký tự của xâu s1 rồi đến 1 ký tự của xâu s2,
b.      Xâu s4 gồm các ký tự của xâu s1 xen kẽ với các ký tự của xâu s2 theo thứ tự 1 ký tự của xâu s2 rồi đến 1 ký tự của xâu s1.
Bài 12: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một xâu ký tự s. Hãy tiến hành chuẩn hóa xâu với các yêu cầu sau:
-         Đầu và cuối xâu không chứa các ký tự trắng,
-         Các từ trong xâu chỉ được ngăn cách bởi một ký tự trắng,
-         Ký tự đầu xâu và các ký tự đầu câu phải viết hoa, các ký tự còn lại đều viết thường.
Bài 13: Viết chương trình cho phép người dùng nhập vào từ bàn phím một xâu ký tự s gồm cả các kí tự chữ và các kí tự số. Hãy tách s thành 2 xâu con: s1 chỉ chứa các ký tự số, s2 chỉ chứa các ký tự chữ.

Bài 14: Viết chương trình nhập vào một xâu chỉ họ tên bao gồm (họ, tên đệm, tên) được phân cách nhau bởi một số ký tự cách. In ra từ chỉ họ, từ chỉ tên.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét